Chọn trường, chọn nghề: Không sợ thiếu chỗ học, chỉ sợ lựa chọn sai!

Chọn trường, chọn nghề: Không sợ thiếu chỗ học, chỉ sợ lựa chọn sai! infonet chon truong chon nghe 1

Học ngành gì, học trường nào thuộc loại lựa chọn quan trọng nhất của cuộc đời đi học. Mùa tuyển sinh là thời điểm thực hiện lựa chọn đó. Mong sao con em chúng ta lựa chọn chính xác.

Thời điểm của lựa chọn quan trọng
Năm nay tổng số thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia là 887.173 người (năm 2018 là 925.961 người); tổng chỉ tiêu xét tuyển năm 2019 của các trường đại học, cao đẳng là 489.637. Cụ thể, chỉ tiêu các trường đại học là 467.492, trường cao đẳng 16.601, trung cấp 5.544. Như vậy là số người dự thi giảm 4,2%, số chỉ tiêu tăng 7,5% so với năm 2018.
Trên đây mới chỉ là chỉ tiêu của khoảng 460 trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn nếu kể cả hệ thống trường nghề của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các trường thuộc lực lượng vũ trang, trường Đảng thì chúng ta có tới gần 2.500 cơ sở đào tạo. Tha hồ lựa chọn!

 Chọn trường, chọn nghề: Không sợ thiếu chỗ học, chỉ sợ lựa chọn sai! infonet chon truong chon nghe 1
Thời điểm quan trọng để lựa chọn nghề nghiệp của nhiều bạn trẻ. Ảnh: Hùng Anh

Sòng phẳng mà nói việc chọn ngành và chọn trường của con em chúng ta trong mấy chục năm qua khiến chúng ta buồn nhiều hơn vui. Điều dễ thấy nhất là đại bộ phận thí sinh không dựa vào sở trường, sở thích của mình để chọn ngành, mà sự lựa chọn đó ưu tiên cho mục đích thực dụng. Những người lựa chọn trường quân đội, công an vì ở đó không phải đóng học phí, có chỗ ăn ở miễn phí; khi ra trường lại được sắp xếp công việc. Còn số khác thì chọn ngành mà bố mẹ, người thân đang làm sếp, ra trường là có chỗ hành nghề ngay. Xu hướng thứ ba là chọn những ngành đang mốt, đang được xã hội để ý…
Việc phần lớn học sinh không chọn ngành, chọn trường theo sở trường, sở thích khiến cho nền giáo dục nước ta, nhất là giáo dục đại học đạt hiệu quả thấp. Ai cũng biết nếu được học ngành mà mình có năng khiếu, lại là ngành yêu thích thì kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều.

Vậy chọn ngành, chọn trường thế nào cho đúng?
Việc chọn ngành, chọn trường có rất nhiều ý nghĩa, trong đó có gắn với mơ ước học trò. Suốt 12 năm học phổ thông, nhất là 3 năm cuối, là học trò ai chẳng có ước mơ thầm kín là sau này mình sẽ làm gì. Điều này vừa lãng mạn, vừa thiêng liêng.
Tuy nhiên, trước khi chọn ngành, chọn trường, mỗi người đương nhiên là phải căn cứ vào năng lực, điểm thi và hoàn cảnh gia đình của mình. Hiện nay, các trường đại học ở Việt Nam đào tạo hàng trăm ngành nghề khác nhau, vì thế sự lựa chọn là vô cùng thoải mái. Những ai có thiên hướng nghiên cứu, giảng dạy thì chọn các ngành thuộc khoa học cơ bản, các trường sư phạm. Những người học tốt các môn tự nhiên nên chọn các ngành thuộc nhóm kinh tế – kỹ thuật. Những ai yêu thích các môn xã hội thì chọn các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, pháp luật, báo chí, ngữ văn. Những người năng động, ưa chuyển dời thì nên học các ngành thuộc nhóm thương mại – dịch vụ – du lịch…
Thật ra, việc chọn trường mới gay cấn và hấp dẫn. Gay cấn ở chỗ những trường đại học có tiếng thường lấy điểm cao và chỉ tiêu cũng có hạn. Do vậy, nhiều người thi điểm cao nhưng vẫn có thể không vào được các trường mình mong muốn. Tuy nhiên, để chọn được trường tốt, thí sinh cần phải căn cứ vào những tiêu chí sau đây để đánh giá các trường: 1. Đội ngũ giáo viên; 2. Cơ sở hạ tầng; 3. Lịch sử, truyền thống; 4. Nội dung chương trình giảng dạy.
Với bất cứ trường đại học nào ở bất cứ quốc gia nào thì đội ngũ giáo viên vẫn là quan trọng nhất. Chính đội ngũ giáo viên tạo nên chất lượng, uy tín của trường. Cơ sở hạ tầng (bao gồm giảng đường, ký túc xá, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, cảnh…) đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là với khối trường kỹ thuật. Lịch sử, truyền thống cũng có ý nghĩa quan trọng vì nếu trường có lịch sử lâu đời thì đội ngũ cựu sinh viên đông đảo; họ luôn quan tâm và có những đóng góp ý nghĩa cho trường. Trong thời hội nhập, để có nội dung chương trình giảng dạy tiên tiến không khó; cái khó là phải đủ trình độ để “tiêu hóa” chương trình đó.
Trên thực tế, Việt Nam hiện có tới khoảng 460 trường đại học, cao đẳng nhưng chỉ khoảng 1/3 trong số đó là đào tạo có chất lượng chấp nhận được.

Chọn trường, chọn nghề: Không sợ thiếu chỗ học, chỉ sợ lựa chọn sai! infonet chon nghe
Chọn nghề theo nhu cầu xã hội hay theo sở thích? Ảnh:  Hùng Anh

Học nghề – Lựa chọn của những người có bản lĩnh và tỉnh táo
Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 này có tới hơn 230.000 thí dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT mà không đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đắng. Vậy là những người này, một số đi làm ngay, một số ít là các bạn nam muốn trải nghiệm mấy năm làm lính, còn đại đa số sẽ đi học nghề. Hệ thống trường nghề hiện nay bao gồm khoảng 2.000 cơ sở, đào tạo từ trình độ sơ cấp tới cao đẳng. Hệ thống này được quản lý thống nhất bởi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Xưa đến nay, xã hội ta chỉ đánh giá cao việc vào đại học và có ý xem thường những người học nghề. Vì vậy, bao nhiêu năm tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đã gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đến nay, tình hình đã có chuyển biến, xã hội đã tôn trọng những người giỏi nghề; một số học sinh quyết định đi học nghề ngay khi còn học phổ thông. Đây là quyết định của những người có bản lĩnh.
Học nghề có những ưu điểm như sau: Thời gian học chỉ 2 đến 3 năm; chi phí thấp, học phí chỉ 200 – 300 ngàn đồng/tháng; thường được hỗ trợ chỗ ở; ra trường dễ kiếm việc hơn tốt nghiệp đại học và lương lại cao hơn (tốt nghiệp trường nghề đi làm thường có thu nhập từ 5 – 15 triệu đồng/tháng). Những người tỉnh táo sẽ đánh giá cao những ưu điểm này và lựa chọn các trường nghề sau khi tốt nghiệp phổ thông.
Được lựa chọn là điều thú vị và hạnh phúc. Cần sử dụng cơ hội này tốt nhất.

Theo Infonet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *