[HNM] Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đề ra mục tiêu: Đến năm 2020, cả nước có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu này, các đơn vị, địa phương đang chủ động tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tuyển sinh học nghề với đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.
![]() Người lao động học nghề sớm sẽ tăng khả năng tự lập, dễ tìm việc làm. Ảnh: Thùy Linh |
Những dẫn chứng nêu trên phần nào cho thấy, số lượng học sinh muốn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS không phải là hiếm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), ở độ tuổi 15-16, đa số học sinh chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, nên công tác tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với đối tượng này phụ thuộc chủ yếu vào quyết định của phụ huynh. Thế nhưng, phần lớn phụ huynh vẫn có tâm lý mong muốn con, em mình học lên cao.
Cùng với đó, công tác phân luồng học sinh sau khi học xong THCS vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa được các ngành, địa phương triển khai bài bản, khoa học. Dự báo về cung – cầu sử dụng lao động chưa theo sát thực tiễn, gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề. Đây cũng là những nguyên nhân khiến việc phân luồng học sinh sau THCS khó đạt mục tiêu. “Học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã tăng từ 5% ở thời điểm năm 2014 lên hơn 10% vào năm 2018. Dù tăng nhanh vẫn khó đạt mục tiêu đề ra theo tinh thần Quyết định 522/QĐ-TTg”, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp bày tỏ.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Phạm Đức Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp kỹ thuật Tin học Hà Nội, đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa cho rằng: “Tuyển sinh đầu vào của các trường nghề với đối tượng tốt nghiệp THCS đã khó, đầu ra cho đối tượng này cũng chưa rộng mở. Tại Trường Trung cấp kỹ thuật Tin học Hà Nội, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo “hai trong một”, chỉ có khoảng 50% học sinh tìm được việc làm, số còn lại học tiếp lên cao…”.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
|
Giờ thực tế của học viên khoa Lữ hành Trường Du lịch HHTC – Ảnh Thùy Linh |
Trên thực tế, những cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện thí điểm mô hình đào tạo 9+ bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ. Ông Bùi Hồng Huế, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm cho hay: “Những năm đầu triển khai, số lượng học sinh đăng ký học chương trình 9+ chỉ có gần 30 em, đến năm học 2018-2019, con số này đã tăng lên gần 300 em”. Nhận được sự tin tưởng của phụ huynh và học sinh, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề từ gần 300 người năm học 2018-2019 lên 500 người vào năm học 2019-2020.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Tường, Tổng Giám đốc Tek Experts Việt Nam nhắn nhủ, dù ở thời kỳ nào, máy móc vẫn không thể thay thế con người ở nhiều vị trí công việc, nhất là những công việc đòi hỏi sự sáng tạo, tỉ mỉ như nghệ thuật, nấu ăn, thiết kế… Do đó, dù học nghề theo hình thức nào, ở trình độ nào, chỉ cần người lao động có quyết tâm vươn lên để có tay nghề vững vàng, kỹ năng tốt, họ sẽ dễ dàng tìm được việc làm tốt, thu nhập cao.